SGTT.VN - “Tôi sẽ đãi ông một chầu… ồ ngư nhiệt thuỷ, ồ ngư hoàng hoả…”, tôi nghe anh bạn loáng thoáng qua điện thoại. Lâu ngày về quê, lại là bạn chí thân, tôi chắc mẩm phen này… trúng mánh!
Nưng nức một làn thơm đậm từ còn xa ngõ. Mùi quen lắm nhưng tôi hơi bất ngờ khi ông bạn dọn chỉ một món cá ồ. Vuông chiếu phẳng phiu, đũa bát sạch phau, thau bia lon ngâm đá có ngọn… mát rượi dưới tán cây xoài lão.
Rồi một mâm cá ồ trụng được bê ra. Cá tươi ròng vừa từ bến xin lên. Ông bạn nói: “Dân đi biển về sẵn sàng cho cá, bất kể người không quen. Chỉ có cá ồ xin mới tươi ngon nhứt! Họ không cho loại đã ướp đá lâu ngày…” Ôi trời, những con cá ồ da đen bóng xen những tảng thịt nứt trắng bong, nhìn đã muốn… cắn! Hơi thơm cá từ cái nồi hấp cứ toả ra, nghe tê ứ chân răng.
Một rổ to rau sống bản địa, với cải cay, húng đứng, húng dũi, ngò gai, đinh lăng, khế xanh, chuối chát trái xắt lát, rau muống chẻ, bắp chuối đỏ lòng… Anh bạn khẳng định: rau quê vườn nhà, không ô nhiễm. Chồng bánh tráng nướng vàng ươm, chai nước mắm nhỉ đỏ sậm chuyền nhau, ai ăn cay thì cứ bụm ớt hiểm xanh mà giằm, mà cắn… Chỗ bạn bè, chả cần giữ ý, chúng tôi xáp lá cà cuốn bánh tráng, làm từng ngoạm to,… ngọt cứ như dưới biển ngọt lên, cay cứ như trong lòng cay ra…
Tợp ngụm bia lạnh, ông bạn khà khà: “Ồ ngư nhiệt thuỷ là đây! Tức cá ồ trụng nước sôi, chịu chưa?” Chưa hết, vợ anh bạn bày tiếp ra cái lò đất than hồng, đặt lên vỉ cá ồ tươi đã xẻ ướp muối ớt. Đã lưng lửng bụng nhưng tôi vẫn muốn ăn khi nghe mùi cá nướng than. Anh bạn lại xoa tay nhìn ra bến cá: “Đây, ồ ngư hoàng hoả, cá phải nướng lửa than…”
Hỏi dân quê miền Trung, cá nào “hình ảnh” nhất cho những gia đình đông con, hẳn nhiên nhiều người sẽ nhắc: cá ồ! Loại rẻ tiền, phổ thông, thịt thơm chắc, dùng nấu mẳn, canh rau, kho, luộc, nướng,… đều đúng bài. Nhớ ngày thơ, món cá ồ dân dã này cũng đâu được ăn thoải mái. Mẹ tôi kho mặn chằn, ăn dè cả tuần mới hết ba con ồ kho. Con cá chắc thịt, kho khô cứng, nhai với cơm nóng, cơm nguội đều đã đời; đôi khi con cá kho nhiều lửa lại được giằm ra để nấu với mớ rau tập tàng vơ vội quanh vườn.
Bây giờ thì cá ồ đã thành đặc sản, trên những bàn khách sang trọng trong nhà hàng, cửa tiệm. Với tôi, món cá thuở ấu thời bỗng ngon thêm trong chiều quê vùng biển.
Mùa nắng nóng, từng đàn cá ồ theo lên cùng với những đợt nam cồ bỏng rảy, rồi chuyển dần sang mùa nồm trong vắt. Dân biển đôi khi không coi trọng cá ồ nhưng tôi nhớ, giỏ cá ồ trụng luôn đắt khách trên những tua “chợ chạy” dọc các buôn làng miền núi. Không hẳn để cá ồ khỏi ươn khi đi xa, cá ồ trụng đã trở thành một món ăn độc lập, khoái khẩu của nhiều vùng quê nghèo. Thỉnh thoảng lại “ồ” lên trong khẩu vị của kẻ thị thành. Qua tháng 8, tháng 9 âm lịch, hết gió nồm cũng là dứt mùa cá ồ. Đây là lúc xuất hiện loại cá ồ “kẹo”, nghĩa là cá ồ trái mùa, những chú ồ nhỏ con, vớt vát, da thịt như sắt lại, ăn lại càng ý vị trong tiết chuyển mùa. Sang tháng 10 mưa dầm, người phụ nữ trong nhà lại lần giở khạp cá ồ muối tươi, đem chưng cùng mỡ hành, thơm đậm đặc trong tiết co ro…
bài và ảnh đào đức tuấn
http://sgtt.vn/Huong-vi-que-nha/147837/Ca-o-xin-moi-tuoi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét